Những sai lầm cần tránh khi mua nhà
Những sai lầm cần tránh khi mua nhà, 292, InToRoi.com, Minh Thiện, InToRoi.com, 04/02/2016 13:55:02
4 sai lầm này thường gặp ở những người lần đầu đi mua nhà. Phần lớn trong số họ đều chưa từng sở hữu hoặc xử lý sự cố liên quan đến món tài sản lâu dài này.
Những người mua nhà lần đầu sẽ dễ dàng dính phải chiếc bẫy mang tên "có thể khắc phục được" như màu sơn chưa vừa ý và họ thường bỏ qua nhiều khoản chi phí không lường trước.
>> Bất động sản
1. Bị thuyết phục bởi những vấn đề có thể dễ dàng sửa chữa
Theo một khảo sát của Coldwell Banker, 9 trong số 10 người lần đầu mua nhà thường tìm mua một ngôi nhà có nhiều lợi thế như sống gần trường học, siêu thị, công ty họ làm việc. Họ không muốn phải sửa chữa nhà bếp hoặc thay cái gì đó trong phòng tắm.
Trong khi vị trí không thể thay đổi thì những vấn đề về sửa chữa lại được môi giới dễ dàng đàm phán với người mua. Jane Hodges, tác giả cuốn sách "Rent Versus Own" (Thuê nhà so với sở hữu riêng một căn hộ), từng lo lắng về một vết nứt trên phần thạch cao ở tường nhưng sau đó cô được tư vấn đó chỉ là vết tỳ và dễ dàng sơn lại cho thẩm mỹ. Bà Hodges khuyên người mua nhà nên hỏi đại lý bất động sản về những chi phí cố định cần thiết và thuê nhân viên giám định căn hộ.
Trong số những người tham gia khảo sát của Coldwell Banker, 300 người tìm được ngôi nhà sớm hơn và có mức giá tốt hơn dự kiến. Khoảng 40% sở hữu một nơi ở rộng hơn với điều kiện xung quanh vượt qua cả mong đợi của họ.
2. Không tìm ra những chi phí "ẩn"
Ngoài số tiền thanh toán ngay và trả lãi thế chấp hàng tháng, quyền sở hữu nhà cũng tạo ra một loạt các chi phí khác như điện, nước, bảo hiểm, thuế.... Đó là lý do Hodges đề nghị nên làm một phép so sánh đơn giản giữa mức tiền thuê và tiền phải trả mỗi tháng.
Bảo trì nhà cửa hàng năm ước tính tốn khoảng từ 1% đến 3% giá trị căn hộ. Điều này có nghĩa bạn sẽ tốn 9.000 USD để sửa chữa, tu bổ hàng năm cho căn nhà 900.000 USD của mình.
Nếu ý tưởng đi thuê của bạn lấn át việc mua nhà, hãy suy nghĩ kỹ về chi phí sau đó như điện, nước. Đa phần sẽ cao hơn giá bán trực tiếp cho hộ gia đình nhưng bạn không phải chi quá nhiều cho sửa nhà. Đừng để giá rẻ bề ngoài che lấp đi suy tính của bạn. Mua một tài sản giá trị lớn, sử dụng lâu dài không đơn giản chút nào.
3. Không để dành tiền thực hiện những món đồ tự làm (DIY)
Không khí trong căn nhà của bạn sẽ tươi mới hơn nếu có một vài món đồ tự làm. Có rất nhiều hướng dẫn trên mạng internet và hoàn toàn không khó thực hiện, độ bền của chúng có thể ngang bằng tuổi thọ căn nhà. Khảo sát cho thấy cứ 4 người thì có một chủ nhà thích đồ tự làm. Tuy nhiên, họ lại không chuẩn bị kinh phí từ trước cho việc này.
Lời khuyên ở đây là, bạn hãy dự trữ một số tiền cho những kế hoạch tự làm cần thiết trong năm đầu tên sở hữu nhà.
4. Hiểu nhầm chính sách bảo hiểm
Các chủ nhà mới thường có niềm tin sai lầm rằng gói bảo hiểm của họ có tác dụng trong cả trường hợp thiên tai. Theo Liên đoàn tiêu dùng Mỹ, rất nhiều người ở quốc gia này tỏ ra bất ngờ khi chi phí sửa chữa nhà sau lũ lụt, hỏa hoạn cao bất ngờ dù có bảo hiểm. Do đó, trước khi ký hợp đồng bảo hiểm, hãy đọc kỹ từng dòng chữ. Nếu không hiểu, bạn hãy trao đổi kỹ lại với công ty bảo hiểm. Ngoài ra, bạn cũng nên để dành một khoản tiền để đề phòng trường hợp bất trắc.
Cẩn trọng với chiêu mua nhà mượn sổ đỏ thế chấp ngân hàng
Vì cả tin cho mượn sổ đỏ thế chấp ngân hàng, không ít gia đình đối mặt nguy cơ vô gia cư khi người quen nhận tiền rồi cao chạy xa bay.
Ông Vương Duy Thành (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết thửa đất hơn 80 m2 sở hữu đang vướng vào vụ rắc rối, do cho mượn sổ đỏ để vay "ké" tiền ngân hàng. Năm 2012, ông Thành và bà Lê Thị Kim Thanh (Hà Nội) cùng ký hợp đồng ba bên tại phòng công chứng để bà Thanh đứng tên vay gần 2 tỷ đồng của ngân hàng.
Theo thỏa thuận giữa hai người, ông Thành được vay ké 40% số tiền này. Tuy nhiên, sau khi vay được tiền thì bà Thanh bỏ trốn. Cho tới khi ngân hàng chuẩn bị các thủ tục thu hồi nhà gia đình ông Thành mới té ngửa vì chưa nhận được đồng nào từ bà Thanh. "Gần đây ngân hàng cho biết khoản nợ cả gốc và lãi đã lên tới 2,3 tỷ đồng", ông Thành cho hay.
Gia đình ông Quang (Tây Hồ, Hà Nội) cũng đang lo lắng cho mảnh đất 700 mét vuông trị giá gần 20 tỷ đồng của nhà mình. Ông không có ý định vay ké, chỉ muốn bán đất để trang trải các khoản chi trong gia đình. Một công ty môi giới biết nhu cầu này đã trả giá cao hơn, nhanh chóng đặt cọc 200 triệu đồng với điều kiện ông Quang ký giấy đồng ý cho bên mua đem sổ đỏ thế chấp ngân hàng. Bên mua giải thích, họ không có tiền mặt, phải vay ngân hàng mới có nguồn thanh toán ngay cho ông. Mà muốn vay ngân hàng, họ cần thế chấp chính ngôi nhà sắp mua của ông.
Một phần đã lớn tuổi, dễ tin người, phần vì không hiểu rõ các quy định nên ông Quang đồng ý viết giấy tờ sang tên và cho phép mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng. Dù người mua chưa "mất tích" hay bỏ trốn nhưng trường hợp này được nhiều cán bộ pháp chế của các ngân hàng nhận định rủi ro rất lớn.
Luật sư Nguyễn Thị Phương - Phó giám đốc Trung tâm Pháp chế Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng hầu hết các tài sản đảm bảo khoản vay hiện nay ở ngân hàng đều là của bên thứ ba, không phải của người trực tiếp đứng tên vay. Đây cũng là những vướng mắc mà nhiều nhà băng gặp phải khi xử lý tài sản đảm bảo.
Trao đổi với PV, nhiều luật sư cho rằng, trong những tình huống này, chính các nạn nhân cũng có những sai sót khi chưa tìm hiểu kỹ lưỡng. Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế của Hiệp hội Ngân hàng cho biết: "Tất cả những trường hợp cho mượn sổ đều vì tin tưởng, yên tâm người vay không lừa mình nhưng thực tế lại ngược lại".
Ông Đức cũng cho rằng trong câu chuyện này, văn phòng công chứng cần phải làm đúng trách nhiệm của mình. "Phải kiểm tra, giải thích kỹ được sự tự nguyện và tự thỏa thuận của những người dân nếu ký hợp đồng này. Tôi e đến 70-80% người dân không biết là có thể mất trắng ngôi nhà", ông Đức lo ngại.
Theo bà Phương, rất nhiều người dân không tìm hiểu và đọc kỹ lưỡng hợp đồng trước khi đặt bút ký. "Nhìn chung người dân phải đọc thật kỹ các điều khoản vì ngay trong hợp đồng cũng có nhiều chỗ cài cắm. Rất nhiều người dễ dàng đồng ý trong khi không hiểu những rủi ro có thể xảy ra như mất nhà khi người vay không trả được nợ. Nếu có nhu cầu vay tiền thực sự và có mảnh đất thế chấp, cứ mạnh dạn đến ngân hàng chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn", bà Phương khuyến cáo.
Một cán bộ pháp chế tại Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng thừa nhận các ngân hàng rất khổ với những trường hợp vay chung hay cho mượn sổ đỏ kiểu này. Theo anh, phần lớn các cán bộ thẩm định không biết rằng có sự việc trên. "Đó hoàn toàn là những thỏa thuận dân sự giữa bên vay và người có sổ đỏ. Theo quy định, tài sản đảm bảo phải không có tranh chấp, không có mua bán, nên nếu hai bên tự viết những giấy tờ đặt cọc, các hợp đồng mua - bán nào đó với nhau thì ngân hàng không thể biết được", cán bộ này cho biết.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng đưa ra những quy định khá chặt chẽ với các khoản vay có tài sản đảm bảo của bên thứ ba. "Một số ngân hàng chỉ chấp nhận với người trong gia đình, tứ thân phụ mẫu... để giảm thiểu rủi ro, tranh chấp phát sinh", một cán bộ pháp chế cho biết. Thế nhưng, Luật sư Trương Thanh Đức còn cho rằng cũng có những trường hợp cán bộ thẩm định biết rõ những tình tiết này nhưng vì nhiều lý do nên đã "nhắm mắt" bỏ qua.
Những sai lầm cần tránh khi mua nhà, 292, InToRoi.com, Minh Thiện, InToRoi.com, 04/02/2016 13:55:02